TRƯƠNG VĨNH KÝ—NHÀ THÔNG THÁI VÀ NHÀ GIÁO DỤC
- Vũ Ký -
Trích trong bài diễn văn của giáo sư Vũ Ký, đại diện Bộ Văn Hoá Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa đọc trong buổi lễ "Tưởng nhớ Trương Vĩnh Ký" ngày 02 tháng 8 năm 1973 tại Sài Gòn.
... Ở đây chúng tôi xin được hầu chuyện cùng quí vị về một khía cạnh có lẽ đặc sắc và biểu dương nhất mà suốt cuộc đời của người, liên tục và đều đặn, dù dưới hình thức này hay dưới thể tài khác, bao giờ người cũng quyết tâm thể hiện để cống hiến cho tất cả chúng ta cái phần tinh túy và ích dụng nhất trong con người của Trương tiên sinh: đó là Trương Vĩnh Ký, nhà giáo dục và nhà sư phạm.
Bên dưới con người hành động với bao nhiêu hình trạng đổi thay tùy theo thăng trầm của thời cuộc, bên dưới con người ái quốc cô đơn, "minh triết bảo thân" bị dày vò bởi nỗi tâm sự phức tạp, "nan minh". "biết cùng ai san sẻ", bên dưới con người bác học hiến dâng cuộc đời mình vào công cuộc nghiên cứu để thấu đạt cái bể kiến thức mênh mông bất tận và lưu truyền hậu thế mà không bao giờ người cảm thấy mệt mỏi; bên dưới con người ấy, bậc danh nhân miền Nam này còn là một con người thừa nhiệt huyết chí thành để mong đem trọn sự hiểu biết cùng tài trí của mình hòng giáo dục đồng bào và các thế hệ mai sau một cách hữu hiệu. Và nói đến nhà sư phạm Trương Vĩnh Ký thì đó cũng chỉ là hệ luận tất nhiên của nhà Bác học, nhà ái quốc Trương Vĩnh Ký vậy.
... Chỉ có giáo dục mà không được truyền dạy bằng một khoa sư phạm thích ứng và tiến bộ thì sẽ không bao giờ đạt đến thành công để cảm hóa và biến thiện con người.
Chỉ có sư phạm mà không có giáo dục thì rồi cũng chẳng biết điều mình truyền đạt sẽ đi về đâu và như thế thì cũng chỉ tiêm nhuần vào đối tượng của mình một mớ kiến thức rời rạc hỗn tạp mà không nhằm đến một chủ đích tối hậu nào.
Ở bậc danh nhân này, cả hai nhà giáo dục và nhà sư phạm đều là một. Và suốt đời của tiên sinh, những sự tìm hiểu, nghiên cứu bằng bao nhiêu tác phẩm quý giá, đầy đủ với bao nhiêu kinh nghiệm bản thân thỏa thích hoặc xót xa phục vụ đất nước, kính thưa quí vị, cuộc đời của con người ấy có khi bình lặng có khi sôi nổi, với bao nhiêu công nghiệp to lớn hẳn nhiên là một bài học sống động mà mọi người chúng ta cần suy gẫm. Chỉ mỗi một cuộc đời ấy cũng là một công trình có ý hướng giáo dục và một bài học đao đức cho tất cả chúng ta rồi.
Mồ côi cha rất sớm, được Mẹ tần tảo nuôi cho đi học chữ Hán từ lúc nhỏ, làm sao người quên được những ấn tượng nhiệm màu do chữ nghĩa thánh hiền đã khắc sâu trong tâm tư mới mẻ trong trắng của cậu bé thiếu nhi mới chừng 5 tuổi. Con người học giả và con người hành động ấy luôn luôn tỏ ra yêu kính mẹ hiền, hết mực lo lắng cho vợ và còn dạy dỗ cho một đàn con đông đảo. Và gia đình đối với Cụ là một niềm thương mến và nỗi ưu tư thường xuyên. Chính lúc đang theo học ở Pinăng được 8 năm rồi mà khi hay tin mẹ mất vào năm 1858, Cụ xin về ngay để thủ chế ở Cái Nhum. Một nhà văn đã viết về tinh thần gia đình sâu đậm ở bậc danh nhân ấy đã thấm nhuần ảnh hưởng nho gia vững mạnh như sau: "Trong cuộc đời của Trương tiên sinh thực không có công trình nghiên cứu nào, không có sứ mênh nào của công cụ khắc khe làm cho người có thể xao lãng được cái tổ ấm gia đình ấy của người vì những trách nhiệm và bổn phận nặng nề của một kẻ làm con, làm cha, làm chồng dù chỉ là trong phút chốc. Cách đây đúng 30 năm, vẫn nhà văn ấy đã đến nhà thờ họ Trương ở sài Gòn để xin được đọc một bản thảo do chính Cụ viết với nhan đề là: "những ghi chép của Trương Vĩnh Ký về những sự việc của đời tôi". Bản thảo ấy có nội dung của một tập tự truyện gồm toàn là những niên hiệu với những lời chú giải ngắn ngủi sơ sài của Cụ, trừ một bài tựa đựng nhiều lời khuyến dụ về luân lý đạo đức dặn dò con cháu. Người đọc đã thấy ở đó Trương tiên sinh đặt tầm quan trọng ngang nhau về các biến cố đời mình, nào năm Thân sinh Cụ mất, ngày nhập học, ngày Cụ lên lớp ở Pinăng, ngày qui Tiên của thân mẫu, ngày làm lễ thành hôn của mình, ngày sinh của các con, ngày làm lễ cưới của ái Nữ, ngày khởi hành hay trở về của Cụ trong các phái đoàn công du, ngày nhận lãnh các huy chương, các bằng tưởng thưởng cùng với những biến cố quan trọng nhất trong lịch sử thế giới... Và điều đáng cho ta suy gẫm là ở các trang đầu của lời tựa, Cụ có dặn bảo con cháu những diều sau đây mà tạp chí Viễn Á đã trích đăng vào tháng 12 năm 1925:
"Bổn phận của một người con là trung với vua, hiếu với cha me, giữ đúng tam cương ngũ thường của nho gia. Sống trong sự ngay thẳng, hết lòng làm việc thiện và lánh xa việc ác, lấy phước đức mà đong, mà lường, cứ noi giữ các bậc tiền bối, vững lòng tiến cho kịp thiên hạ, bằng lòng với số mệnh, vui thích trong cảnh bình an, và tinh khiết, đừng đi tìm hư danh, hư lợi.
Đối với người con gái là theo đúng tam tòng tứ đức để đạt đến tận mỹ tận thiện. Tóm lại, điều phải quan tâm nhất là làm rạng rỡ gia tộc, tông môn bằng cuộc đời của chính mình cùng những đức hạnh của chính mình đối với cha mẹ".
Kính thưa Quí Vị, những nguyên lý ấy của Tiên nho, mà Cụ đã nhắc lại trong tập Tự Truyện trên có lẽ không có gì là mới lạ cho lắm. Nhưng chính tự tay mình viết ra trong một bản thảo vắn gọn để lưu truyền cho con cháu mình, thực sống động như chính cuộc đời mình trôi qua theo dòng ngày tháng, như chính tâm hồn mình, như nhân sinh quan của mình được giãi bày một cách hàm súc và minh bạch ở trong tác phẩm ấy thì điều này, kính thưa Quí Vị, đáng cho ta suy nghĩ nhiều lắm. Chúng tôi còn muốn thấy ở đó chẳng những là những lời di chúc vàng ngọc để lại cho gia tộc Cụ mà còn là bài học đạo đức cho các thế hệ hậu sinh nữa. Nhờ tinh thần nho gia sâu đậm ấy, mà bất kì ở đâu, khi đảm nhiệm trách vụ gì, Cụ cũng chinh phục được sự kính mến của mọi người. Lúc cụ thôi làm Cơ mật viện ở Huế để rút về Nam làm một bậc ẩn sĩ vào tháng 10 năm 1886, Vua đồng Khánh đã tặng Cụ một bài thi và một lời tạ ý nghĩa vô cùng thấm thiết nói lên mối tình quân thần khắng khít và lòng khen ngợi tột cùng của nhà vua đối với nhà bác học và nhà ái quốc ấy. Nào là
...
"Mau đâu thanh khí tương đầu
Niềm công ái quốc, chước mầu kinh bang".
Rồi nhà vua còn trao tặng cho Cụ 9 vật báu trong đó có ngọc khánh khắc bốn chữ: "Hiếu, để, trung, tín" để rồi cuối cùng bậc quân vương hạ lời giã từ bịn rịn:
"Chín báu vật trao tay chẳng tiếc,
Tiếc thay người minh triết bảo thân,
Ngày nào được gặp cố nhân,
Như tình bằng hữu, quân thần còn xa".
Bài học đạo đức rút trong cuộc đời của tiên sinh thực vô cùng dồi dào bao nhiêu ý niệm cao quí và hẳn còn giáo dục cho chúng ta nhiều hơn nữa. Đó là một tấm gương sáng của đức khiêm nhường, của lòng ngay thẳng, của lương tri và lý trí. Cái lương tri và lý trí minh mẫn ấy đã có lúc vạch ra cho người một lẽ xuất xử thực là vinh diệu.
Người học trò đắc đạo, kẻ sĩ của Đông Phương ấy kết hợp với người tín đồ ngoan ngoãn Thiên Chúa Giáo của Tây Phương đã tìm ra môi trường để sống dung hòa trong tâm hồn Trương Vĩnh Ký. Muốn phục vụ hữu hiệu cho xứ sở, lúc người Pháp đô hộ nghiệt ngã nước Việt qua bao thăng trầm của thời cuộc, một thời cuộc nhức nhối nhất trước mặt nhà trí giả, bậc triết nhân, người ta vẫn thấy một Trương Vĩnh Ký trước sau như một. Qua tất cả những gì ông làm, những gì ông nghĩ, những gì ông viết, đều không ra ngoài câu cách ngôn La tinh mà ông coi đó là kim chỉ nam của đời mình. Sic Vos Non Vobis, "ở với họ mà không theo họ". Ở vào địa vị thế nhân ngoài Cụ ra, hẳn phải có nhiều sự tầm thường thấp kém, xa cách hẳn với cái cao hạnh và tầm cử đọng của Tiên sinh lúc bấy giờ. Là thầy dạy cho vua, bạn thân tín của quan toàn quyền mà rất ư là khiêm tốn, không hống hách kiêu căng. Là tín đồ Thiên Chúa Giáo, nói tiếng pháp thông làu mà không chịu vô Pháp tịch, không chịu cắt tóc, không mặc âu phục, không a dua xu thời. Có nhiều khi môn đệ đã hỏi thăm Cụ về việc vào dân Pháp, Cụ bèn trả lời: "Nếu mình vào bộ dân Lang sa, thời mất bộ dân AnNam còn gì? Vả vào bộ dân AnNam xấu lắm sao?" Có tối cao quyền lực trong tay mà không tham lam, vị kỷ chút nào. Bị bọn quan lại Pháp nghi kỵ gièm pha, xiểm nịnh, một số đồng bào hiểu lầm, chỉ trích mạt sát mình, Cụ vẫn làm tròn trách nhiệm với xứ sở: " Một mình mình biết, một mình mình hay". Để rồi sau đó khước từ tất cả mà rút lui về Sài Gòn sống âm thầm lặng lẽ, vùi mình vào việc nghiên cứu, học hỏi. Bài học sáng suốt về lẽ xuất xứ của Tiên sinh thoát ra bàng bạc suốt một cuộc đời ngay thẳng và trong sạch, bất vụ lợi, có khi nghèo túng nữa, thực có nhiều trọng lượng để giáo dục tất cả chúng ta vậy.
Nhưng bài giảng đẹp nhất, cao nhất của đời người chính là bài học về tinh thần ái quốc, lòng trung thành đối với đất Mẹ ẩn tiềm trong tất cả công nghiệp đồ sộ của người. Bài nói chuyện của nhà văn Phạm Đình Tân về tâm hồn ái quốc cô đơn của Cụ khá dồi dào rồi, lại được biểu chương thêm bằng những luận cứ vững chắc nữa. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nhắc đến một khía cạnh của tấm lòng ái quốc bao la, toàn diện thấm thía và sâu xa ấy được thể hiện ở con người Cụ. Yêu nước, đó phải nói là tình cảm nền tảng hướng dẫn mọi đóng góp của Cụ vào nền văn chương, văn hóa, và ngôn ngữ văn tự của nước nhà. Điều đó hẳn làm cho Cụ trở thành một ngôi sao sáng chói trong nền văn hóa giáo dục và sư phạm đích thực của dân tộc nữa. Phải có lòng yêu nước tột độ mới cần cù, tận tụy sưu tầm, biên soạn, chuyển dịch, nghiên cứu về tiếng mẹ, về nền văn học văn hóa nước nhà suốt bao nhiêu năm trường mà trang trí cho nền văn học cổ kim của đất nước một số sách khổng lồ đáng giá. Giữa thời kì rất ư là phôi thai của tiếng Việt. Chính vì quá yêu nước nên hết dạ trung thành với tiếng mẹ, với nền văn chương, ngôn ngữ của dân tộc vậy.
Xin mời Quí Vị thử trừ đi những năm tháng Trương Tiên sinh lo học hành trong nước và ở ngoại quốc mà còn thì giờ để thu nhận đến 15 thứ tiếng Đông Tây và còn viết rành được 11 thứ tiếng. Nhà văn Nguyễn Tiến Lãng còn nói Cụ rành đến 20 sinh ngữ lẫn cổ ngữ nữa là khác. Con người ấy, đã bị tràn ngập bởi bao nhiêu là công việc mà trong suốt cuộc đời ngắn ngủi thế mà còn tìm ra được thời giờ cần thiết để sáng tác nên 116 tác phẩm đủ loại thì quả là một thiên tài sáng tạo phi thường lắm vậy. Trong bài nói chuyện của ông Tổng Trưởng, chúng tôi tưởng Quí Vị cũng được nghe những lời bình luận rất đầy đủ về công trình đồ sộ của nhà bác học Trương Vĩnh Ký rồi. Ở đây chúng tôi chỉ xin nói đến chủ đích và ý hướng giáo dục cao quý trong hầu các sáng tác phẩm của Trương Tiên Sinh. Cái công trình ấy đã vun xới cho sự hiểu biết của đồng bào, đồng loại và còn tác động mạnh đến tư tưởng , tình cảm của thế hệ hậu sinh sau này biết bao nhiêu nữa. Điều đáng cho ta ghi nhận là tất cả các kiến thức ấy đã được trình bày bằng một phương pháp sư phạm quả là hữu hiệu mà đến cả người ngoại quốc cũng phải thán phục ở nhà giáo dục Trương Vĩnh ký. Chính Cụ đã điều khiển Collège d'Adran từ năm 1866 đến 1868 và đào tạo được nhiều người đọc và viết tiếng Việt, tiếng Pháp đầu tiên. Tôn Thọ Tường, Trương Minh Ký, cũng ở trong đám môn đệ ấy của Cụ. Tác phẩm của Cụ có thể phân loại nào các sách sáng tác biên khảo bằng tiếng Pháp, bằng tiếng Việt, nào các sách Nho Cụ dịch thuật từ ngoại ngữ ra tiếng Việt hoặc tiếng Việt ra ngoại ngữ. Trước hết là các sách dạy các ngôn ngữ cần thiết tại các trường thông ngôn. Hoặc dạy tiếng pháp cho người Pháp lẫn người Việt, hoặc tiếng Việt cho người Pháp, hoặc dạy chữ Nho cho người Pháp lẫn người Việt. Rồi đến các sách viết bằng tiếng Pháp về văn phạm Việt Nam về cách dạy tiếng Việt, về các ngoại ngữ khác như Xiêm, Mã Lai, Lào, Miến điện, Ấn Độ, v.v...Còn các sách địa dư Việt sử bằng Pháp văn, lịch sử vương quốc Khơme, cây cỏ Việt Nam nữa v.v...
Cuốn "Khảo sát và đối chiếu các ngoại ngữ" được một tác giả là Bouchot ngợi khen là có phương pháp sư phạm toàn hảo. Cuốn "Dạy tiếng Việt" được người Pháp ca tụng là có phương pháp dễ theo dễ học nhất. Cuốn "Cours d'Histoire Annamite" tuy viết cho học trò Việt nhưng giúp cho người Tây phương hiểu biết rất nhiều về quá khứ Việt Nam được một sử gia thời danh Pháp là Ernest Renan hết lời ca ngợi: nào trình bày rất mạch lạc sáng sủa, nào là phán đoán vô tư như chưa từng thấy sách nào của người Á đông viết ra và ngay trong các nước Tây phương cũng chưa từng thấy một cuốn quốc sử như thế để cho học sinh bản xứ làm sách giáo khoa (buổi thuyết trình ngày 30 tháng 6 năm 1880 của hội Á học ở Paris). Đến các cuốn tự điển Pháp-Việt và Việt-Pháp của ông thì đúng là những pho sách dày công lao lắm của một nhà giáo dục và một nhà sư phạm tài danh, chẳng khác là mấy tí về nội dung và hình thức với các cuốn Tự điển mà ta thấy xuất hiện bây giờ. Chính tác giả của cuốn Pháp-Việt Tự điển thông dụng là Đào Duy Anh cũng thú nhận "đã rút ra được ở cuốn Tự điển của Cụ nhiều điều rất bổ ích". Cụ còn dịch ra các quốc âm các kinh sách của nho gia trong đó có hai cuốn Đại học và Trung dung mà nhà học giả Nguyễn Văn Tố đã hạ bút: "Cụ đã giữ cho những tư tưởng ấy cái vẻ linh hoạt và viết theo cả thể văn mà đi sát với nguyên văn, không suy chuyển đến văn vẻ vì Cụ đã hiểu rằng cái điều thú vị trong Tứ thư không kể đến lý thuyết chính là những cái đột ngột bất thường không theo luật câu văn. Và đặc điểm ấy cần phải phản chiếu từng ly từng tí trong bản quốc ngữ của Cụ". Chính trong các sách dịch từ Hán văn ra Việt ngữ ta mới ghi nhận ra ý hướng quốc gia trường tồn trong tâm khảm nhà ái quốc và bách khoa Trương Vĩnh Ký vậy.
Bấy giờ chữ Hán đã thất thế, nhất là từ năm 1901 trở về sau, nền Nho học xuống dốc và đang bị đạp đổ bởi người Pháp như ta đã thấy trong một tờ thư của Paulin Vial, Giám đốc Nội vụ Súy Phủ Nam Kỳ gửi Quan bố Sài Gòn vào ngày 15 tháng 01 năm 1866. Nội dung tờ thư ấy gần như là một mệnh lệnh buộc dân Việt Nam ta cắt đứt những liên lạc văn hóa giữa người Việt với người Tàu, với cả quá khứ Việt Nam quá nặng nề về Hán học vì thâm ý chính trị lẫn văn hoá của người Pháp. Giữa tình trạng vong quốc lâm ly ấy, Trương Vĩnh Ký muốn cứu vãn nền Hán học suy đồi để giữ giềng mồi và bản sắc cho nền văn hóa dân tộc bằng cách truyền dạy tư tưởng Nho gia cho người mình bằng một thứ chữ mới của người Việt. Đó là chữ quốc ngữ vậy. Chính đó là công việc bảo tồn cổ học, lưu truyền di tích văn hoá mà nhà bác học của chúng ta đã nhận thấy giá trị bất biến của nó trong xã hội Việt Nam nên cố gìn giữ để chống lại sức xâm lăng của Tây phương vậy. Chúng tôi có nói đến trương Vĩnh Ký là một nhà ái quốc cao độ và đa diện. Quả đúng như vậy, vì yêu nước thiết tha nên Cụ luôn giữ được lòng trung thành của mình với linh hồn xứ sở, luôn luôn khoắc khoải, canh cánh bên lòng mối ưu tư với nền ngôn ngữ, văn tự và văn hóa nước nhà. Công trình tiền phong của Cụ đã xây dựng trên lĩnh vực này, trong một giai đoạn của nền Quốc văn gần như chưa có gì cả vào thuở bấy giờ, thực là vô cùng vĩ đại. Hai tiếng vô cùng thêm vào với hai tiếng vĩ đại, ở trường hợp Trương Vĩnh Ký, chúng tôi tưởng không phải là một tiếng thừa.
Một tác giả pháp là Bouchot đã duyệt xét các công trình sáng tác của Cụ từ các sách giáo khoa tự điển đến các sách về văn chương, văn học, đã cho rằng đó là sự nghiệp của một bậc phu tử làm cho địa vị của Cụ chói lòa khắp nước, bấy giờ và mãi mãi sau này nữa. Cụ còn có công sao lục những áng cổ văn, phiên âm ra tiếng Việt các áng văn Nôm của các cụ xưa, kèm theo lời chú giải bằng văn quốc ngữ nào Kim Vân Kiều, Đại Nam Quốc sử diễn ca, Huấn nữ ca, Thơ dạy làm dâu, Gia huấn ca, nào Lục súc tranh công, Phan Trần, Lục Vân Tiên hoặc Cụ viết bằng quốc ngữ như Truyện đời xưa, Truyện khôi hài, Gia định thất phủ vịnh, Gia định phong cảnh vịnh, Cờ bạc nha phiến diễn ca, còn nhiều nữa v.v... Kể làm sao cho hết !
Để ca ngợi thiện chí giáo dục và tính cách thuần túy dân tộc và bản sắc Việt Nam với những nét độc đáo trong những sáng tác phẩm của Cụ, một nhà văn Việt Nam năm 1956 đã viết: "Cụ nói và viết bằng tiếng La tinh, tiếng Pháp, bằng tiếng Hy Lap và bằng 20 tử ngữ và sinh ngữ khác, Cụ đã viễn du trên khắp một phần của vũ trụ này, nhưng Cụ không bao giờ tự cho phép mình có thái độ huênh hoang, tự phụ, vô lễ. Không phải vì Cụ đã được ngắm con sông Seine thơ mộng, con sông Venise chảy lững lờ hoặc Địa Trung Hải xanh biếc, mà con sông Hương Giang hoặc sông Bến Nghé tuyệt nhiên không còn gây được mỹ cảm gì nữa trước đôi mắt Cụ, và cũng không phải vì Cụ đã được đọc Corneille, Goethe, Dante, Shakespeare bất hủ nên cuốn đoạn trường Tân Thanh chỉ là một áng văn vô vị đối với Cụ. Cụ tôn trọng quốc hồn quốc tuý và còn tán dương tất cả những gì đẹp đẽ mỹ lệ của tổ quốc Việt Nam.
Vì những lẽ trên, kính thưa Quí Vị, mà Cụ Trương Vĩnh ký dưới con mắt của chúng ta phải dược xem như là một bậc thầy đầu tiên khả kính của nhà Trường dạy tiếng Mẹ và dạy về quê hương mến yêu cho chúng ta và con cháu của chúng ta nữa. Trong suốt cuộc đời Cụ, bao giờ cũng chỉ có một đối tượng để làm thành một ám ảnh vô cùng cao đẹp và to lớn là nền ngôn ngữ, văn học của đất nước, nhất là nền văn học mà phần lớn các tác phẩm đã rơi rớt hết, chỉ còn sót những mảnh vụn lạc loài đáng được cho ta thu nhặt lại và dâng lên bàn thờ tổ tiên một cách thành kính.
Chính vì lẽ đó mà khi bàn về bản Kim Vân Kiều, chú giải của Trương Vĩnh ký, nhà học giả Nguyễn Văn Tố nói thêm:
"Nếu Cụ muốn đi sâu vào những cung bực thăm thẳm của nền văn học Việt Nam và những mẹo luật Việt Nam và Hán Việt, nếu Cụ đã lao tâm khổ trí rất nhiều để viết nên các bản thảo chằng chịt của mình, nếu Cụ chịu dìm mình nhập điệu để tìm hiểu các bí pháp của âm luật học Việt Nam không phải Cụ muốn cho người đời khâm phục mình là kẻ tài ba trong các nghiên cứu khó khăn ấy. Mà chính Cụ muốn cống hiến cho chúng ta bằng tất cả cái trong trẻo, tươi sáng, mềm mại của tiếng Việt qua các áng cổ văn của các đại văn hào đất nước mà Cụ luôn luôn yêu quý một cách đắm say. Chính trong thâm ý ấy nên Cụ muốn tất cả chúng ta phải được thưởng thức trọn vẹn thi tài trác luyện của một Tiên điền Nguyễn Du và Cụ muốn cho chúng ta nhận thức rõ ràng nhờ sự biến hóa của nhịp điệu, được sự hỗ trợ của âm nhạc với văn chương, nhà thi hào đã tác động đến các tâm hồn nhạy cảm và khêu gợi được tưởng tượng dồi dào ở tất cả chúng ta như thế nào để đạt thành công trong sứ mạng của một bậc danh nhân thi sĩ. Nếu Cụ Trương Vĩnh Ký là một bậc giáo sư siêu việt chính là vì trong các tác giả Việt Nam, trong các thi nhân Việt Nam cổ ấy mà Cụ đã có công sưu tầm tác phẩm, Cụ muốn chỉ dẫn cho đám hậu sinh mình thấy rõ ràng các bậc văn thi hào của dân tộc đều là những người thông ngôn trung thành và mầu nhiệm của những tình cảm Việt Nam đơn giản nhất mà cũng sâu kín nhất ẩn ức trong tâm hồn con người Việt Nam muôn thuở, của những tình cảm đã làm nên căn bản của tâm hồn nhân loại và vẫn bất diệt qua các biến thiên của thế sự và thời cuộc. Đối với Cụ, nền cổ văn cổ học Việt Nam ta luôn luôn là một bậc thầy truyền lại những bài học quí giá nhất, một bậc thầy của một thứ tư tưởng và tự do, trong sáng, của một mối cảm xúc hồn nhiên mà thành thực"...
Kính thưa Quí Vị, đến sự đóng góp của Cụ vào nền văn học mới, vào sự trau giồi chữ quốc ngữ thì cũng thực là chí thành và phong phú. Khi được thủy sư đô đốc Ohier cử làm chủ bút tờ Gia Định Báo với sự cộng tác của các nhà văn Tôn Thọ Tường, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Cụ đã biến cải tờ báo toàn diện và nhấn mạnh ở 3 điểm: Cổ động Tân học, Truyền bá Quốc ngữ, Giáo dục Quốc âm. Cụ còn áp dụng đầu tiên cách chấm câu của văn Pháp vào câu văn Quốc ngữ cho lời nói câu văn gọn gàng, mạch lạc nữa. Chính Cụ đã điều khiển Collège d'Adran từ năm 1866 đến 1868 và đào tạo được nhiều người đọc và viết tiếng Việt, tiếng Pháp đầu tiên. Tôn Thọ Tường, Trương Minh ký cũng ở trong đám môn đệ đông đảo ấy của Cụ.
Ở một giai đoạn mà nền luân lý Tây phương và các khoa sư phạm tiến bộ chưa được truyền sang Việt Nam vào giữa thế kỷ thứ 19 thì tư tưởng Trương Vĩnh Ký còn được xem là nhà sư phạm tiền phong nữa. Điều đáng cho ta ghi nhận thêm nữa là tất cả các kiến thức ấy đã được trình bày bằng một phương pháp sư phạm quả là hữu hiệu mà đến người ngoại quốc cũng phải thán phục ở nhà giáo dục Trương Vĩnh Ký.
Cách thức biểu diễn tưởng, truyền thông kiến thức trong mỗi tác phẩm của Cụ hoặc trong khi Cụ giảng dạy ở mỗi trường đều mỗi khác. Có đến 8 trường Cụ dạy, toàn là những tay to mặt lớn lúc bấy giờ đến thụ giáo, và đã tranh đoạt được nhiều thành quả tốt đẹp. Điều ấy làm cho ai ai cũng phải công nhận là Cụ đã đạt đến chủ đích giáo dục của mình và mọi người theo học đều thấu triệt các kiến thức, các tư tưởng mà Cụ muốn tiêm nhuần sâu rộng cho môn sinh.
Vào năm 1886 khi Vua Đồng Khánh tỏ ý muốn học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, Cụ đã viết cho Viên Toàn Quyền Paul Bert một bức thơ đề ngày 07-8-1886 nói rõ Cụ sẽ dùng pháp riêng của Cụ mà dạy cho nhà Vua, phép ấy là phép Roberson và Ollendorf nhập lại rồi chế sửa cho thích hợp với trí học trò Annam. Cũng một chi tiết ấy cũng đủ cho thấy Trương Vĩnh ký là một nhà sư phạm tiến bộ rồi.
Ông Rousset, một giáo sư người Pháp trong một bài diễn văn vào năm 1930 đã viết:
"Đứa con yêu quí của đất Nam Kỳ, người đã hiến cả cuộc đời cho công cuộc giáo dục thanh niên, đáng được toàn thể thanh niên truy niệm và tìm thấy ở công việc của ông một bài học quí giá"
Kính thưa ông Tổng Trưởng Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên
Kính thưa Quí Vị,
Ở ngay trong con người và toàn bộ công nghiệp của Trương Vĩnh Ký tiên sinh phải nói là Đông và Tây kết hợp đắc ý với nhau, bên cạnh sự hòa mình kì diệu của kẻ sĩ Việt Nam và người tín đồ, bậc trí thức Tây phương vậy.
Vì thế P. Trương Vĩnh Ký có rất nhiều dự phóng, những dự phóng đã đem lại hiển vinh và thành công cho cuộc đời ông chính là dự phóng về phương diện văn học, văn hóa và giáo dục.
Đối với một tín đồ ngoan đạo như ông, thân phận con người quả thật mong manh và bé nhỏ trước vũ trụ bao la vô tận, huyền bí của hóa công, nhưng đối với một công dân của đất nước, Cụ quan niệm chức phận của con người phải đa năng và toàn diện để còn lưu lại một cái gì hữu hiệu, trường tồn cho quốc gia, xã hội và dân tộc.
Về hành động của chính mình đối với xứ sở, về tâm sự của chính mình để lại cho hậu thế với đức khiêm tốn, tâm thuật và cao hạnh cố hữu của Cụ, có lẽ Cụ cũng nghĩ như biết bao Tiên nho thuở trước: Bất cầu hữu công đáng cầu vô quá (chẳng cầu lấy công nhưng chỉ cầu đừng lỗi) mà thôi vậy.
Để chấm dứt bài nói chuyện, chúng tôi xin mạn phép trích đoạn cuối bài văn Khóc Thầy sau đây của một môn đệ của Cụ là Trương Minh Ký:
Nhớ Thầy xưa,
Nên đứng thông minh,
Thiệt trang văn phú
...
Việc chữ nghĩa nhọc lòng biên đặt,
Lắm thuở công phu,
Dạy học hành ra sức vun trồng,
Nhiều lời khuyên dỗ.
Ôi !
Người tuy mất mà danh chẳng mất,
Tiếng hãy còn đây:
Coi sách Thầy mà học ý Thầy, hình như Thầy có.
Hỡi ôi ! Tiếc thay !
Xin cám ơn Quí Vị và xin kính chào Quí Vị.