Trrương Vĩnh Ký - Trở về với con đường văn hóa, văn học

- Cao Thế Dung -

 

Âu Châu về, Trương Vĩnh ký chuyển hướng, ông dốc tâm sức vào con đường văn học, văn hóa. Nhận những chức vụ của nhà cầm quyền thuộc địa Nam Kỳ là chỉ vì sinh kế. Một lẽ xa hơn, nếu không cộng tác với tân trào thực dân, ông không thể nào có phương tiện và cơ hội thực hiện giấc mộng lớn của ông trên lĩnh vực văn hóa, văn học và báo chí. Trương Vĩnh Ký được cử làm giám đốc trường Thông Ngôn (Collège des Interprètes), Trung tâm đào tạo cộng sự viên đầu tiên của Pháp ở Việt Nam, trường ươm nhiều thông ngôn sau này trở nên tri huyện, tri phủ, đốc phủ sứ trong guồng máy cai trị của thực dân.

Bản thân Trương Vĩnh Ký lại không đi vào con đường hoạn lộ ấy. Ông là giám đốc trường với hàng huyện hạng nhất không xứng với địa vị giám đốc và tài ba lỗi lạc của ông, trong khi học trò của ông chỉ một thời gian ngắn sau khi tốt nghiệp đã leo lên hàng phủ, đốc phủ sứ. Mặc ! Hai năm trong vai vế giám đốc (1866-1868), ông vẫn giữ được phong thái người sĩ phu Việt Nam, khăn đóng áo dài. Tới năm 1872, ông được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Sư phạm Nam Kỳ (Ecole Normale), trung tâm đào tạo giáo chức đầu tiên ở miền Nam; ông lại là mẫu mực của một hương sư hương quốc trong hoàn cảnh "quốc phá gia phong". Ở vào hoàn cảnh lúc bấy giờ, ông không thể xuất xử khác hơn. Giả thử ông muốn gia nhập phong trào kháng chiến chống Pháp từ buổi đầu, thì giới thân lãnh đạo cũng không thể chấp nhận một giáo dân, hơn nữa một thầy tu xuất như ông. Nếu ông chọn "trùm khăn" không cộng tác với thực dân, thì thực dân đâu chịu để yên một nhân tài lỗi lạc không thua kém gì các học giả người Pháp; ông có thể bị giam cầm hay lưu đày như bao sĩ phu khác không chịu bắt tay với tân trào, ít nhất cũng bị cô lập như trường hợp Nguyễn Đình Chiểu. Sự hợp tác bất đắc dĩ của ông với Pháp trong hoàn cảnh nghiệt ngã này có thể được tạm hiểu là sự chấp nhận cái "thế thời phải thế", hầu tìm cơ hội và phương thế để phục vụ dân tộc và đất nước. Chí hướng của ông đã được giấu kín trong đáy lòng, cho đến nhiều năm sau, khi lui về ở ẩn trong cảnh thanh bần. Nỗi u uẩn đó sau được bộc lộ trong một bức thư gửi Stanislas Meunier, một người bạn thân của ông (thư này mãi năm 1931 mới được Phủ toàn quyền Đông Dương và Nha học Chính phổ biến trong cuốn "La Cochinchine Scolaire", ở phần giới thiệu trường Petrus Ký, được thành lập sau ngày ông qua đời 20 năm). Trương Vĩnh ký viết: "Tôi chỉ có thể làm cái gạch nối giữa hai dân tộc này hiểu nhau và thương yêu nhau, do đó tôi thường dịch từ Việt ra Pháp văn và từ Pháp văn ra Việt văn, với nhận thức rằng sau ngôn ngữ, sau chữ nghĩa, một ngày nào đó các tư tưởng được hấp thụ, và chúng tôi (tức dân tộc Việt Nam) bắt đầu làm quen với nền văn minh mới của xứ sở ông".

TÌM VỀ DÂN TỘC BẰNG CON ĐƯỜNG HỢP TÁC VỚI PHÁP

Năm 1869, Trương Vĩnh Ký làm chủ bút Gia định Báo, ông trở thành nhà báo đầu tiên của Việt Nam, vị tổ sư làm báo Việt. Đây là giai đoạn quan trọng nhất đời ông đối với đất nước nói chung và văn học báo chí nói riêng. Ông còn là Giáo sư Hán văn Quốc văn trường Hậu Bổ (Ecole des Stagiares), nơi đào tạo quan lại mới của Nam Kỳ thuộc địa. Trong vị trí và chức vụ nào ông cũng được nhà cầm quyền và môn sinh kính trọng sâu xa, do đạo đức, nhân cách và tài ba lỗi lạc của ông.

Nhờ thông thạo tiếng Tây Ban Nha, ông là thông ngôn của Phái Bộ nước này đến Huế năm 1868 để đàm phán và kí thương ước với triều đình Huế. Song họ Trương tham dự vào cuộc đàm phán này không phải chỉ là thông ngôn mà còn là cố vấn của Phái Bộ Việt Nam. Vua Tự Đức đã ban cho ông huân chương cao quý của triều đình "Long tinh bội tinh". Năm 1870, Phái Bộ Tây Ban Nha từ Madrid qua Việt Nam để mở cuộc đàm phán giao thương với triều đình Huế, phái đoàn ghé qua Sài Gòn khẩn khoản mời Trương Vĩnh Ký tháp tùng ra Huế. Lần này ông lại đóng trọn vai trò trung gian giữa hai nước Việt-Y Pha Nho. Chuyến đi này ảnh hưởng sâu xa đến sự nghiệp ông vào những năm sau.

Tiện đường ra Huế, khi xong sứ vụ thông ngôn đối ngoại cho xứ sở, ông thực hành tiếp liền đó một cuộc du hành mà vào thời kỳ ấy hiếm có sĩ phu nào thực hiện nổi. Từ Huế, ông đi Hương Cảng, rồi qua áo Môn (Ma Cao), xuống Vân Nam, Triều Châu, Phúc Kiến rồi lên Thượng Hải. Nhờ ông thông thạo Hán tự, tiếng Quảng đông, Triều Châu và Hải Nam, ông đã rộng rãi quan sát và hiểu rõ thêm về một nước Trung hoa chưa đủ được khai phóng để vượt lên trên nên văn minh cổ kìm bước tiến hóa, và đang chịu xâu xé bởi Tây phương. Cùng với bài học thực tiễn mà chuyến du hành mang lại cho ông, sở trường Nho học mà ông thấm nhuần từ năm 10 tuổi đã giúp họ Trương trở về được với nguồn chính mệnh của văn minh học thuật Đông phương mà Hoa Nam là nơi kết tụ.

Ông đã lập đại thành được tinh hoa của văn minh đông tây kim cổ sau chuyến đi lịch sử này. Nó cũng là một phản tỉnh văn hóa cho đời ông. Ông trở về với Nho học, chuyên tâm dịch các bộ sách căn bản như Gia Huấn Ca của Trần Hy Tăng (từ Nôm chuyển qua Quốc ngữ), Tam Tự Kinh, Minh Tâm Bửu Giám, Đại Học và Trung Dung (là hai bộ sách cơ bản của Nho giáo về chính trị và hình nhi thượng).

Từ năm 1876, Trương Vĩnh Ký ra Bắc với nhiệm vụ thông ngôn và đồng thời quan sát tình hình Bắc Kỳ cho Soái phủ Sài Gòn. Khi trở về Nam, ông phúc trình lên đô đốc Duprè về tình hình kinh tế, chính trị Bắc kỳ. Qua bản phúc trình này, một số tác giả sau này đã nhìn họ Trương như một tay cộng tác lợi hại của Pháp, nếu không muốn nói thẳng ông đã làm công việc tình báo cho Pháp giúp thực dân có một cái nhìn thông suốt ra tận Bắc kỳ. Do đó, những ai không co thiện cảm với họ Trương hay chống Công giáo đã dựa vào phúc trình ấy, lên án họ Trương là "đặc vụ" của Pháp. Sự thực như thế nào?

Trương Vĩnh Ký thuật lại cuộc đối đáp giữa ông và các quan nắm trọng trách của triều đình ở Hà Nội lúc bấy giờ đại cương như sau:

"Những quan lại thường hỏi tôi rằng Pháp có ý muốn chiếm đất nước không? Tôi trả lời rằng không, và tôi nhấn mạnh lời nói của tôi về hiệp ước hòa bình và thương mại và những cái thuận lợi mà nó bảo đảm cho nước An Nam. Kết quả là sự có mặt của những lãnh sự Pháp và những đồn binh ở Bắc kỳ là một sự đảm bảo lớn cho sự yên ổn của nhà nước An Nam và sự an nhàn của những dân tộc láng giềng. Riêng chỉ có sự có mặt của người Pháp mà cũng đủ để làm cho những tên cướp khách đầy rẫy ở các bờ biển và toàn quốc phải gần như lánh xa vùng duyên hải, chứng tỏ một tinh thần an ninh chưa có. Trong vùng lân cận của lãnh sự quán và những đồn binh, người ta lại nhận thấy rằng thương nghiệp lại tiến hành và công việc làm trở lại.

"... Phải cư xử thế nào đối với người Pháp để có thể khai thác được tình thế hơn hết?" Người ta còn hỏi tôi -Thưa các ngài, tôi đáp lại, các ngài đều chịu rằng nếu chính phủ Pháp muốn chiếm nước ta, họ đã làm từ lâu rồi và với một sự dễ dàng không thể bàn cãi được. Vậy thì các ngài phải nhận rằng các ngài yếu, yếu đến nỗi các ngài cần có sự giúp đỡ của một người nào khác để các ngài có thể đứng dậy được. Các ngài hãy cứ có lòng tin tưởng ở những người đồng minh danh tiếng của các ngài, thành thật dựa vào họ để mà đứng dậy, nhưng mà ngay thẳng, không có ý nghĩ đen tối, không có âm mưu bí mật, giơ cho họ cả hai tay chứ không phải đưa ra một tay và dè dặt một tay. Nếu không chán nản vì những sự do dự và những sự nghi ngại nửa vời của các ngài, có thể rằng nước Pháp sẽ thôi không che chở các ngài nữa và để mặc các ngài đi theo với những số phận của các ngài".

(Trích dịch bởi Mẫu Quốc), "Trương Vĩnh Ký một nhà bác học trứ danh đã ngang nhiên đóng vai mật vụ tình báo làm tay sai đắc lực cho giặc Pháp". Nghiên cứu lịch sử (Hà Nội), số 60, tháng 3, 1964).

Lời trình bày của họ Trương kể trên xét ra có thể nói là tâm thành, thể hiện khá đầy đủ hoàn cảnh nước ta lúc bấy giờ, "giặc trong thù ngoài", mà không chỉ riêng giặc Pháp mà còn nhà Thanh Trung Hoa với giặc Cờ đen ở phía Bắc, giặc khách (Tầu ô) ở ngoài biển đều là những kẻ thù nguy hiểm, đe dọa thường trực đời sống an ninh của dân gian. Đó là sự mà người có lòng với đất nước thiết tưởng cần phải nói thẳng ra với những nhà lãnh đạo ưu thời mẫn thế hầu họ "khai thác được tình thế hơn hết". Bảo nó là "bản báo cáo của đặc vụ tình báo" phải chăng là cố tình buộc tội. Vì "đặc vụ tình báo" gì mà chẳng đưa ra một điểm nào, một điều nào cụ thể và hữu ích cho chiến lược và chiến thuật hành quân chiếm đóng của Pháp sau này.

Thực ra, tình hình Bắc kỳ và nhân tâm miền Bắc, từ thường dân đến sĩ phu, hồi đó còn tệ hơn rất nhiều so với những gì mà họ Trương viết cho Dupré. Sau 1874, tức là năm Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất, giặc cướp nổi lên như ong, họa giặc Cờ đen, Cờ Vàng là cơn ác mộng kinh hoàng cho dân chúng miền Bắc (như tôi sẽ trình bày ở phần sau, như đã viết trong Bộ Việt Nam Binh Sĩ Võ đao, Q.III, "Từ nhà Tây Sơn đến 143 năm triều Nguyễn và thời Pháp thuộc. Bản Layout, chương IX, tr. 415-460). Chiếu theo hàng chục bản phúc trình của tình báo Pháp từ Bắc kỳ gửi cho Súy Phủ Nam Kỳ từ 1870 đến 1880, thì người Pháp đã rõ tình hình miền Bắc như người ở trong nhà mình; so với những tài liệu mà Pháp dày công sưu tầm, nghiên cứu về Việt Nam từ đầu thế kỷ 19, thì phúc trình của Trương Vĩnh Ký chỉ là những nhận xét trong một cuộc phiếm du. Vả lại, tên đồ Phủ Nghĩa (Jean Dupuis) đã đến ở Bắc kỳ từ tháng 11-1872, "xưng hùng xưng bá" ở Hà Nội, ngang nhiên tuyển quân đội riêng cho y. Giặc đã vào trong nhà, ta đã bị "giòi tận xương". Pháp dòm ngó Việt Nam từ giữa thế kỷ 18. Đáp lá thư của Tổng trưởng De Praslin đề ngày 29-2-1768, hỏi tình hình Việt Nam, Pierre Le Povre đang du hành ở đàng Trong đã báo cáo tường tận về quân đội Việt Nam ở đàng Trong (trong thư đề 1-8-1768) và đề nghị Pháp chiếm đàng Trong để quân bình lực lượng với đế Quốc Anh ở Ấn Độ và thiết lập quan hệ thương mại với miền Nam Trung Hoa (xem: A. D'epinay, Documents historiques relatifs a` la Cochine et au Cambodge - Ravue Indochinoise, T.II, No. 2, 30-7-1904). Mấy tài liệu trên đủ cho ta khách quan nhận thấy việc buộc cho Trương tiên sinh tội làm "chỉ điểm" cho Pháp chỉ là cố tình bóp méo lịch sử. Kẻ buộc tội đã vô tình hay hữu ý quên rằng bản phúc trình của Trương Vĩnh Ký đã viết vào năm 1876, nghĩa là 3 năm sau khi Francis Ganier đem quân đánh thành Hà Nội (sáng 20-11-1873), rồi lần lượt chiếm các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định "dễ như trở bàn tay"!

Sự thực là, lần đầu tiên đặt chân lên cố đô của đất Bắc, Trương Vĩnh Ký đã tìm thấy cái nôi văn hóa của dân tộc, ở chốn ngàn năm văn vật Trương tiên sinh đã tìm thấy nơi phát nguồn của văn hoá và truyền thống dân tộc của Việt. Đọc tập "chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi" (1876), chúng ta cảm rõ lòng yêu nước thương nòi nhiệt thành của Trương Vĩnh Ký được biểu lộ từng lời, từng chữ. Có lẽ vì vậy mà nhà cầm quyền Nam Kỳ thuộc địa đã lờ hẳn tập du kí lịch sử này, cùng với một số tác phẩm xuất bản sau đó, đáng kể như sau:

1. Đại Nam Quốc Ca (chuyển từ chữ Nôm ra Quốc ngữ, Sài Gòn 1879)
2. Huấn Nữ Ca (1882)
3. Thơ Mẹ Dạy Con (1882)
4. Nữ Tắc (1882)
5. Gia Huấn Ca (1883)
6. Thạnh Suy Bĩ Thái phú (1883)
7. Phép lịch sự An Nam (1883)
8. Cờ bạc nha phiến (1885)

Trong cuốn giáo khoa Mẹo tiếng Việt (Abrégé de Grammaire Annamite), tiên sinh đã phát quật cỗi gốc văn minh Việt từ ngàn đời: ông đã đề cập đến chữ viết của dân tộc ta từ thời lập quốc: chữ Khoa đẫu (ví giống hình con nòng nọc) hãy còn di tích trên nhiều bản ghi khắc, trong số đó có một tấm bia đá trên núi đá Bia (sđd., SaiGon Imp. Impérial 1867, tr. 7-8)

THAM CHÍNH VÀ QUAN TRƯỜNG

Ở Bắc về, Trương Vĩnh Ký được đô đốc Dupré bổ nhiệm ông vào Hội đồng thành phố Sài Gòn với tư cách là người ngoại quốc (Nghị định kí ngày 28-7-1877). Chỉ một điều này chứng tỏ họ Trương vẫn giữ nguyên các căn cước bản vị của một con dân Việt Nam vào lúc được vào dân Pháp (citoyen francais) là một vinh dự. Ông đã từ chối cái vinh dự đó.

Trong chuyến đi sứ Pháp năm 1863, ông gặp nhà bác học Paul Bert, một chính khách nổi danh. Tài học và nhân cách của ông đã làm cho Paul Bert phải tâm phục. Họ trở thành đôi bạn thân mặc dầu khác giống. Paul Bert kém họ Trương một tuổi, là một Bác sĩ, Giáo sư khoa học đại học Bordeaux và Paris ông được coi là người tiến bộ và nhân bản, tham gia cách Mạng Pháp năm 1870, trở thành Tổng trưởng Giáo dục và Nghị sĩ Quốc hội Pháp. Tháng 2-1886, Paul Bertđược bổ nhiệm Thống sứ (Résidnt Supérieur) tại triều đình Huế. Ông chủ trương, đối với triều đình Huế, Pháp chỉ giữ vai trò bảo hộ, và cai trị qua hoàng đế An Nam và giới sĩ phu. Ông cũng là người tiên khởi tổ chức giáo dục của Pháp ở Đông dương (về Paul Bert và giai đoạn ông làm Thống sứ, xem: Virginia Thompson (Miss), French-Indichina, London, Allen-Unwin 1937, tr. 70-71).

Trên đường từ Pháp qua Huế, Paul Bert ghé Sài Gòn, đích thân gặp lại bạn cũ họ Trương và mời Trương đứng ra làm một gạch nối giữa vua Đồng Khánh và Thống sứ Pháp (Nam triều chỉ còn quyền hạn tượng trưng từ Phan Thiết trở ra Bắc Kỳ. Cũng nên nhấn mạnh ở đây điểm này: so với các thời trước đó ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, thời gian một năm ngắn ngủi Paul Bert làm Thống sứ lại là thời Pháp bình trị, sau giai đoạn hành quân xâm lăng đẫm máu của họ tại miền Bắc (xem: De Marolles (Vice Amiral), Le Prologue de la conquete du Tonkin, Journal de L'expédition Rivìere (1882-1883). Revue de Deux Mondes, 15 Nov, et 1er Déc.1929, tr.312-339-942-666). Với một tâm hồn nhân bản chủ trương một chính sách tương đối nhân đạo và cởi mở đối với dân bản xứ và nền bảo hộ, Paul Bert bị giới thực dân không ưa, ngấm ngầm chống đối. Do đó, thực dân cũng nghi ngờ Trương Vĩnh Ký trong vai trò cố vấn của vua Đồng Khánh tại Cơ Mật Viện trong chức vị Hàn Lâm Biên Tu.

Qua giai đoạn bình định và đàn áp đẫm máu của thực dân, tạm ngưng vào thời Paul Bert, giới đó đã hiểu thế nào là một Việt nam bất khuất. Họ chuyển hướng, bước qua giai đoạn vỗ về dân bản xứ và lôi kéo văn thân sĩ phu. Khuynh hướng đó gồm một số quan chức ao cấp Nam Kỳ thuộc địa chủ trương (như Louis Gabriel Aubaret, P.L.F Philatre, P. Cultan, đều là những tay thông thạo Vịet ngữ, Hán tự và văn hóa Việt Nam, đặc biệt là Eliacin Luro, Philastre (Luro là tác giả nổi tiếng với tác phẩm "Xứ An Nam: Nghiên cứu về tổ chức chính trị và xã hội của người An Nam" (Le Pays D'Annam": Etude sur I'organisation politique et sociale des Annamites.Paris 1878). Luro và Paulin Vial, con cáo già thuộc địa ở Nam Kỳ, giám đốc Nha Bản Xứ Vụ (1864-1871) đều không ưa Petrusky và còn đố kỵ với ông. Lúc đầu họ cần ông, nay đã tỏ tường đường đi lối về thì họ không cần đến ông nữa. Hơn nữa, họ vẫn công khai chống lại chính sách mở của Paul Bert.

Ngày 11-10-1888, Paul Bert đột ngột chết ở hà nội vì bệnh dịch tả. Paul Vial lên quyền Thống Sứ Bắc kỳ, kiêm nhiệm Thống sứ triều đình Huế thay thế Paul Bert. Hiểu rõ Vial vẫn chủ tâm gạt ông ra khỏi Cơ mật Viện, Trương Vĩnh Ký bỏ Huế trở về sài Gòn, giã từ chốn quan trường cùng với mọi vinh hạnh được vua Đồng Khánh ban cho (ông đã được vua ban Kim Khánh Bội Tinh và hàm Lễ Bộ Thượng Thư (ministre des Rites, theo Trương Vĩnh Lễ - xem: Vietnam, Où Est La Vérité? Paris 1990, tr.32).

Sự thực là Trương Vĩnh Ký đã coi nhẹ công danh. Với người bạn ở chức Thống sứ triều đình, ông dư sức và thừa cơ hội để trở thành một Thượng thư đại thần thực thụ của triều đình Huế. Dù cho đó chỉ là một hư vị của một cơ chế tiêu biểu cho cho tinh thần quốc gia trong giai đoạn suy vong. Trái với những kẻ khác đã lợi dụng được những "tay ngai" thực dân để vòn vọt chức trọng quyền cao trên đường hoạn lộ, ông hoàn toàn không màng đến danh lợi. Tác giả Nguyên hương còn cho rằng Trương Vĩnh Ký đã hiểu rõ thâm ý của thực dân Pháp:

"Bằng đủ mọi cách, người Pháp muốn duy trì sự có mặt tại Việt Nam trong lúc thực lực Việt Nam gần như tan rã. Chấp nhận thực trạng bất kực ấy để tái tạo nguồn sinh lực tương lai, cải cách xứ sở đối với Trương Vĩnh Ký, là con đường duy nhất phải đi để cứu nguy và xây dựng đất nước sau này. Trương Vĩnh Ký khổ tâm trước thực trạng đó, nhưng vẫn phải gắn gượng hàn gắn đổ vỡ chừng nào hay chừng ấy.

Trong những thơ từ giao thiệp với Paul Bert, trước sau như một, Trương Vĩnh Ký vẫn cố gắng sử sự đúng đắn không hổ thẹn với địa vị Cố vấn triều đình, không vì quyền lợi hay cảm tình coi thường quyền lợi trọng đại của quốc gia. Điểm son nổi bật nhất trong đời chính trị của Trương Vĩnh Ký là ở đó.

Vì thái độ đúng đắn ấy Trương Vĩnh Ký, mặc dù là bạn thân, bên trong "con người chính trị" của Toàn quyền Paul Bert đôi khi vẫn không khỏi dè dặt, nghi ngờ Trương Vĩnh Ký. Muốn giữ Trương Vĩnh Ký ở lại Huế đừng trở lại Nam Kỳ hay đi đây đó ngại rằng có liên lạc, tiếp xúc nào khác phá hoại mưu định của mình, Toàn quyền Paul Bert lấy làm khó chịu mỗi lần Trương Vĩnh Ký dời Huế dù chỉ một vài ngày".

Và:

"... nhưng dù ở hoàn cảnh nào, địa vị nào, lòng son dạ sắt Trương Vĩnh Ký vẫn không thay đổi. Trong việc ký kết hòa ước giữa Việt Nam và Pháp, Trương Vĩnh Ký đã đóng một vai trò trọng yếu. Trước các điều kiện bất lợi cho Việt Nam, Trương Vĩnh ký đã khôn khéo biện bạch với Toàn quyền Paul Bert, như bức thơ đề ngày 4-11-1886 là một chứng cớ. Không may thay, cái khôn khéo ngoai giao của Trương Vĩnh Ký đã phải tiêu hao với thời gian, vì thái độ hèn yếu bất lực sau này của triều đình. Lỗi lầm nguy hại không phải là những hiệp ước đã kí kết giữa Việt Nam và Pháp, mà chính là sự hèn yếu của triều đình, vua quan ta mỗi ngày một nhiều hơn, để cho người pháp xen lẫn vào nội bộ ta như 80 năm đô hộ đã chứng minh" (Nguyên Hương, tlđd, Văn hoá tập san, T.XIX-Q12, tr. 1918)

TRƯƠNG VĨNH KÝ DANH NHÂN THẾ GIỚI

Bỏ quan trường lui về ẩn dật ở Chợ Quán, Trương Vĩnh Ký dốc tâm dốc lực vào lĩnh vực văn hóa học thuật trong cảnh nhà thanh bạch. Ngày 15-1-1887, Jean Antoine Ernest Constant, nguyên Tổng trưởng nội vụ, sứ thần Pháp tại Bắc Kinh, được bổ nhiệm làm Toàn quyền lâm thời, biết tiếng Petrusky. Constants ủy cho Giám đốc Nội vụ Nam Kỳ là Noel Pardon viết thư mời Petrusky hợp tác và hỏi về tình hình Việt nam. Họ Trương dứt khoát xa lánh quan trường. (Theo Nguyên Hương)

Rất khiêm tốn lễ độ nhưng thẳng thắn phải chăng, Trương Vĩnh Ký phúc đáp, ý kiến không thay đổi như khi còn hợp tác với Toàn quyền Paul Bert, mà tuyệt nhiên không nhắc đến việc trở lại làm việc.

Một vài bạn thân ngạc nhiên viết thơ lại thăm hỏi tại sao đương đắc thời mà không ở lại làm quan tại triều, tiên sinh trả lời giải thích:

"Ông viết thơ thăm hỏi tại sao đang vùng vẫy đường danh lợi, từ đám công danh đi mà không chịu làm nữa..." ở đời, xử đám công danh là khó, đua đường danh lợi là hiếm, một là nên, hai là hư, mà hư thì thường nhiều hơn. Hễ mê đắm, ham hố quá thì làm sao cũng phải mắc chẳng sai. Vì vậy tôi bắt chước Trương Lương dụng trí minh triết bảo thân, là lo xét coi voi nhắm chừng cho biết đường tấn thối mới rút mình ra khỏi bẫy được.

"Vì việc vua, việc nước, tôi mới lãnh đi ra triều đình việc cả hai nước. Ấy là cái phần, cái chức khó nhất trong đời: vì làm việc như mai dong nặng nề hết sức. Vua nghe tiếng bàn cùng đình thần cho vời vào điện tấu. Từ ấy về sau vua biết cùng đem lòng trông cậy sẽ ra sức hoàng tế lúc gian nan trong nước. Tôi xin lãnh ý, làm hết sức mà đỡ nghiêng, chống xiên, chu được quốc thể, nghi thống dần dần gỡ rối được... Vua ban thưởng trọng hậu. Về Nam chưa được bao lâu, giây thép đã đánh vô. Toàn quyền mất đi rồi thì tôi nghĩ việc mình sẽ ra khó khăn vì tân quan, tân chế, nên tôi đánh giây thép ra rằng tôi không ra nữa, vì hiểm nghèo là một, sau nữa là có mình nữa thì cũng chẳng thêm được việc chi cho Vua cùng triều đình nhờ, nên dứt đi một cái cho xong, tránh đường danh nẻo lợi về xứ an phận tùy duyên cho khỏi lòng ràng buộc" (Thơ gởi ông Đốc Phủ Ca, trích dẫn lời Nguyên Hương, tlđd. Tr.1721).

Chưa tới 40 tuổi, Trương Vĩnh Ký đã nổi danh khắp ba kỳ (toàn quốc) và quốc tế. Năm 1873, 36 tuổi, Trương Vĩnh Ký được báo chí Pháp đồng thanh chọn là một trong 18 văn hào thế giới vào lúc bấy giờ, như được ghi trong tự điển Larousse:

"Thế giới có thập bát văn hào gồm có: Allem (Docteur Banadona D'ambrum, Bonhommme (Honoré) Cazol C (Général de), Chambord (Comte de), Christophis (Albert), Conte (Casimir), Desmaze (Chales), Duprat (Pascal), Dupuy (Charles), Garnier, Pages, Guizot, La Fayyette (Oscar de), Lefèber Pontalis, Marcou, Pétrus Ký, Saldenha (Maréchal)".

Ông còn là hội viên các hội văn hóa quốc tế, như:

  • Hội địa dư học (Société de Géographie de Paris).

  • Hội nhân chủng học (Socie'té Ethnographique de Paris).

  • Hội chuyên khảo nhân loại và khoa học (Socie'té Humanitaire et Scientifique du Sud-Ouest de la France).

  • Trường Sinh Ngữ Á Châu (Membre correspondant de L'ecole de Langues Orientales).

Tự điển danh nhân thế giới về chính trị, ngoại giao quân sự và hội viên các Hiệp hội bác hoc, tức Dictionaire biographique, illustré du monde politique, diplomatique et militaire des Personalités officielles et des mambres des Socíetés savavtes, do một nhóm văn gia Pháp soạn dưới quyền giám đốc của Eugène Beuve xuất bản tại Paris, đã dành gần 18 trang để trình bày cuộc đời nhà bác học Việt Nam Trương Vĩnh Ký.

Căn cứ vào sự nghiệp văn hóa, văn học và nghệ thuật của bác học Trương Vĩnh Ký, ngày 17-5-1883 Viện Hàn lâm Pháp trao tặng ông huy chương "Officer D'académie" và tiếp theo sau đó, năm 1887, ông hai lần được chính phủ Pháp ân thưởng Bắc đẩu Bội Tinh (Légion d'Honneur) về tài năng lỗi lạc trong lĩnh vực văn học. Mặc dù được trọng kính đặc biệt như vậy, Petrus Ký vẫn không vào quốc tịch Pháp. Theo Nguyên Hương, "bạn bè nhiều lần thúc giục khuyến khích nhập Pháp tịch với những lợi quyền ưu đãi dành theo, đang là cái lẽ thường của xứ Nam Kỳ hồi ấy. Nhưng cho đến giờ phút chót, Trương tiên sinh vẫn mãi mãi là người Việt thuần túy, không quên nguồn gốc huyết thống Việt Nam của mình. Hành động này là một việc lạ đối với phần đông người thời ấy, nhưng nếu hiểu rõ tâm hồn Trương Vĩnh Ký, thì không ai lấy đó làm ngạc nhiên. Suốt đời giữ mãi bộ y phục cổ điển, một con người Việt Nam thuần túy từ thể xác đến tâm hồn, mặc dù cái học thức, kiến văn của Trương Vĩnh Ký đã là cái học thức sâu rộng, phổ biến, vượt khỏi khung cảnh chật hẹp của quốc gia để đi đến cái khung cảnh rộng rãi hơn của thế giới nhân loại" (Nguyên Hương, tlđd. Tr.1723).

Trong một lá thư viết cho J. Siefert, một người bạn quen biết từ khi Tiên sinh làm việc ở Huế, tiên sinh giãi bày như sau: "Người ta viết thơ cho tôi trong ba lần liên tiếp bảo tôi nên nhập Pháp tịch, tôi đã quyết chối từ. Tôi không thay đổi ý kiến về việc này". Lúc trên giường bệnh Petrus Ký cho gọi các con đến bên cạnh để ông trăn trối, ông khuyên các con đừng vào dân Pháp, ông nói: "Nước Việt Nam sẽ mất một công dân nếu một người trong các con nhập quốc tịch Pháp" (Le Vietnam perdre un citoyen, si l'un de vous adopte la nationalité francaise- xem: Trương Vĩnh Lễ, Vietnam, où est la vérité, tr. 33). Những tháng năm cuối đời đã thanh bần lại mắc nợ vì in sách, "Tiên sinh bị hai cái khánh tận, nhà in, nối nhà... mất hơn sáu ngàn đồng bạc, phần thì sách vở bán không chạy, mắc nợ nhà in Rey et Curiol, phần thì bị phải bảo lãnh cho nợ hết hạn... lại thêm phát đau hư khí huyết". Nhưng ông vẫn giữ sự thanh bạch là đạo sống của ông. Theo Hồ Hữu Tường:

"Gặp thầy cũ sống trong cảnh thanh bần, quan thông ngôn Lê Phát Đạt khoe tài làm giàu của mình. Thì ông khuyên với giọng nhuốm mùi tôn giáo: "Này cháu ơi, chớ vội vui mừng. Đương lúc vui nên gẫm mà buồn lần lần đi. Đến khi mà nguy khốn thì dễ đuổi tan sầu não. Trong hồi khổ cực, mà biết nghĩ đến lúc vui mừng, thì hãy vui. Việc gì cũng có trả có vay". Lời khuyên của Trương Vĩnh Ký tuy đượm mùi triết lý, có được ai nghe theo?"

(Hồ Hữu Tường, "Hiện tượng Trương Vĩnh Ký...", tlđd. Bách khoa số 414/1974).

Ngày 1-9-1898, kiệt sức vì bệnh tật, hậu quả do những gian truân khổ ải tháng năm chồng chất, Trương Vĩnh Ký qua đời trong cảnh thanh vắng ở vùng Chợ Quán, thọ 61 tuổi, để lại một sự nghiệp văn hóa văn học lớn lao (chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau).

Hai học giả lỗi lạc của Pháp là Renan và Garroz giới thiệu, ngày 11-2-1876, Trương Vĩnh Ký gia nhập Hội nghiên cứu Á Châu Ba Lê (Société Asiatique de Paris), tên tuổi Petrus Ký nổi bật như một hội viên lỗi lạc. Nhà bác học James Darmestetez, trong bản phúc trình cuối năm của hội, đã hết lời ca tụng tác phẩm Les Convenances et les Civilités Annamites của Trương Vĩnh Ký (sách "Sự hòa nhã và lễ độ của người An Nam") được coi là một công trình văn hóa có giá trị độc đáo. Trong một bài viết về Trương Vĩnh Ký, Lm. Học giả Léopold Cadìere cho rằng họ Trương là người có công rất lớn đối với những người pháp đầu tiên học tiếng An Nam (l. Cadìere, Souvenirs d'un vieil Annamitisant. Tạp chí Indochine, No. 216, 19-10-1944). Nhưng phải nói thêm: Trương vĩnh Ký còn dạy người Pháp về lịch sử, văn hóa và văn minh Việt Nam.

Tác phẩm Cours d'Hidtoire Annamite của Trương Vĩnh Ký được Hội nghiên cứu Á Châu (Société Asiatique de Paris) khen ngợi coi như là một công trình quý báu đối với nền sử học đương thời. Trong phiên họp ngày 30-6-1880, trong bản phúc trình hàng năm của hội, sử gia E. Renan đã giới thiệu tác phẩm ấy như sau:

"Trương Vĩnh Ký đã trình bày một cách rõ ràng, chính xác ý niệm lịch sử của dân tộc An Nam. Người ta phải vô cùng ngạc nhiên khi thấy trong tác phẩm của Trương Vĩnh Ký một tinh thần sáng tác vô tư công bình, điều rất hiếm thấy ở những công trình có tính cách Á Châu. Nhiều nước Âu Châu chúng ta ngày nay vẫn chưa được một cuốn sử biên soạn có giá trị như tác phẩm của Trương Vĩnh Ký để dùng trong các trường học"

(Journal Asiatique, tome 6, Juilet-Décembre 1880, tr. 73)
(trích bởi Nguyên Hương).

Tán dương, ca tụng con người và sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký, sử gia Pháp Jean Bouchot trong cuốn "Petrus Trương Vĩnh Ký, Erudit cochinchinois" (Sai Gon 1925. Petrus TVK, một học giả Nam Kỳ viết như sau:

"Nếu ta được nhìn trở lại và rút tỉa ở cuộc đời tiên sinh một bài học, trước hết đó là bài học quý giá về lòng tin tưởng ở sức mạnh của chí cương quyết. Sự tin tưởng ấy chiến thắng mọi trở lực, miễn là nó bền bỉ và quả quyết.

"Thật là đẹp đẽ cuộc đời cần cù của Tiên sinh, cuộc đời đã đem vinh dự về cho làng mạc quê hương và cho cả nước Việt Nam, nơi Tiên sinh đã để lại nhiều công trình, nỗ lực lớn lao. Bổn phận mọi người chúng ta là phải tìm kiếm những sáng tác trong vô vàn tác phẩm của Tiên sinh và trong mớ ký ức, kỷ niệm của những người đã được gần Tiên sinh, tất cả những gì có thể giúp chúng ta lãnh hội dược một cách đích thực ý nghĩa cuộc đời Tiên sinh, cuộc đời có thể tóm tắt trong mấy chữ:

"Bác học, tâm thuật và khiêm nhường".

Đi xa hơn trong việc ca tụng, tán dương tài đức Trương Vĩnh Ký, sử gia Bouchot kết luận về tiểu sử Trương Vĩnh Ký như sau:

"Ta nên xem cuộc đời Trương Vĩnh Ký là một bài học và một gương tốt cho ta. Một bài học vì người dân hoàn toàn Nam Kỳ ấy sánh kịp với các nhà thông thái, bác học, xứng đáng bậc nhất của Âu Châu trong đủ mọi ngành khoa học"

(trích dịch bởi Nguyên Hương, tlđd. Tr. 1710)

Trong 35 năm cầm bút, Trương Vĩnh Ký đã viết 121 tác phẩm về nhiều thể loại, Vũ Ngọc Phan trong văn học hiện đại, cho rằng: "Nếu xét tất cả những sách khác nhau do Trương Vĩnh Ký biên tập, dịch thuật, sáng tác và xuất bản trong thời gian 1863-1898, người ta thấy rõ ông là nhà bác học, có óc tổ chức và có phương pháp, chứ không còn là một nhà văn như những nhà văn khác" (Vũ Ngọc Phan, nhà văn hiện đại, Q1, Saigon 1960, tr. 44)

Qua tác phẩm và hành trạng, Trương Vĩnh ký là một nhà ái quốc. Cuộc đời và tác phẩm phát xuất từ dòng sinh mệnh của dân tộc. Thân thế tiên sinh từ lúc bướcvào đời cho đến phút lâm chung là thân thế nổi trôi trong cơn bão tố của đất nước, nhưng ông vẫn như một loài trúc lạ ở đất Nam hà, cây trúc quân tử họ Trương là hiện thân của bất khuất, liêm khiết và ẩn nhẫn, dù phải trầm luân trong bao hệ lụy. Hệ lụy của đời ông cũng như hệ lụy của một sĩ phu thời đại, nhưng dù trong tình huống nào, dù phải hợp tác nhất thời với ngoại bang, ông vẫn giữ tấm lòng son dạ sắt với dân tộc và đất Mẹ.


   

Thông báo:

DHPK Banner PK 2022